Lược sử về Râu: Biểu Tượng Nam Tính Vĩnh Cửu
Nhân vật Marshall Eriksen của sitcom nổi tiếng How I met your mother đã hơn một lần bày tỏ không hề giấu diếm khao khát sở hữu cho mình một bộ ria mép. Còn ở Việt Nam, danh xưng mà người ta hay dành để gọi cánh đàn ông là “đấng mày râu”. Thế mới thấy, một bộ râu chính là biểu tượng cho nét nam tính trên gương mặt mà tất thảy mọi đàn ông đều muốn sở hữu.
Trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử loài người, bộ râu đàn ông đã vượt qua khỏi ranh giới của nhu cầu cắt tỉa cơ bản thường ngày, mà chậm rãi từng bước một tiến vào thời trang, lan tỏa vào từng ngóc ngách của xã hội như một biểu tượng vĩnh cửu của nét đẹp nam tính.
Vì thế, hôm nay hãy cùng Tony Barber House du hành thời gian, ngược về thuở sơ khai của những bộ râu và chứng kiến những thăng trầm của chúng trong suốt dòng chảy của vạn vật nhé.
Râu ở đâu trong dòng chảy lịch sử?
Các nhà nhân chủng học ngày nay đều thống nhất một niềm tin mãnh liệt rằng tất cả đàn ông thời tiền sử đều sở hữu một bộ râu dày. Điều này hoàn toàn có khả năng là chính xác bởi một lý do đơn giản: Thời đó làm gì có những dụng cụ để đàn ông cạo đi đám lông tóc mọc dưới cằm và xung quanh hàm đâu chứ.
Dưới góc nhìn hiện đại, những người tiền sử đã sở hữu một bộ râu rậm rạp
Dù vậy, bộ râu của những người tiền sử cũng được tin rằng mang lại nhiều lợi ích lớn lao khác, bởi thế mà sự tồn tại của nó vượt ra khỏi vấn đề thiếu thốn dao cạo vừa đề cập ở trên. Một bộ râu xồm xoàm sẽ giúp họ giữ ấm cho gương mặt và cổ trước sự giá lạnh của thời điểm một triệu năm về trước. Bên cạnh đó, bộ râu cũng làm tăng thêm nét hung tợn và uy dũng của đàn ông, vốn thường đóng vai trò thủ lĩnh trong các bộ lạc thời bấy giờ. Bộ râu dày và cứng cũng giúp hạn chế những thương tổn có thể gây ra ở phần cổ trong những cuộc đi săn, hay những cuộc chiến đấu với các bộ lạc khác.
Bước sang thời cổ đại, bộ râu đã được định hình như là một biểu tượng danh dự của đàn ông. Nếu ở các giai đoạn lịch sử phía sau, hình phạt cho các tội danh thường nhắm vào sự trừng phạt về thể xác hoặc tinh thần, thì ở thời cổ đại, các tội nhân sẽ phải chịu bị cắt phăng đi bộ râu của mình. Điều này đối với đàn ông thời đó còn chí mạng và tàn nhẫn hơn cả cái chết, nên tính răn đe của hành động này rất cao.
Tuy vậy, dưới trướng của Alexander Đại đế vào những năm 300 trước Công nguyên, những người lính bắt buộc phải cạo sạch bộ râu của mình khi ra trận. Kẻ chinh phạt châu Âu thời điểm ấy tin rằng một bộ râu xồm xoàm sẽ là điểm chí mạng mà kẻ thù có thể khai thác khi chiến đấu. Cụ thể, bộ râu sẽ thò ra dưới bộ giáp, dễ dàng bị kẻ địch nhận ra, tóm lấy và thế là hết.
Quân lính của Alexander Đại đế không được phép để râu!
Ở bên kia Địa Trung Hải, các pharaoh của Ai Cập cổ đại lại có truyền thống sử dụng râu giả. Các tài liệu cho thấy, trong suốt giai đoạn trong khoảng 3000 đến 1580 trước Công nguyên, các nhà lãnh đạo Ai Cập thường đeo một bộ râu làm từ kim loại gọi là postiche, được quấn lên đầu bằng dây băng và cố định vào mặt bằng một sợi dây đeo bằng vàng.
Bộ râu postiche này được xem là biểu tượng của quyền lực và rất phổ biến trong giới cầm quyền của nhà nước bên dòng sông Nile. Hatshepsut, một trong những nữ pharaoh quyền lực của Ai Cập cũng từng đeo postiche để khẳng định quyền lực của mình.
Trong khi đó, đàn ông Lưỡng Hà và Ba Tư thời kì này có thể được xem là những người tiên phong cho việc nhuộm râu. Trong khi những lãnh đạo của dân Lưỡng Hà chuộng màu đen khi nhuộm râu thì đàn ông Ba Tư lại sử dụng thuốc nhuộm henna lên râu của mình. Bên cạnh đó, bột vàng và các sợi chỉ vàng cũng được sử dụng để tạo điểm nhấn trên râu tóc đàn ông xứ này trong những dịp quan trọng.
Trong khi những người Lưỡng Hà chuộng nhuộm đen râu
Thì đàn ông Ba Tư lại có truyền thống nhuộm đỏ với thuốc nhuộm henna
Xứ Vikings của vùng Bắc Âu lạnh giá nổi tiếng không chỉ vì những câu chuyện huyền thoại về các vị thần mà còn vì một lịch sử lâu đời liên quan đến những bộ râu. Với dân Vikings, nét đẹp của đàn ông được định hình qua bộ râu. Vì thế, đàn ông Vikings từ xa xưa đã sở hữu những bộ râu dày, đẹp mắt, được chăm chút cầu kỳ và tỉ mỉ. Họ cực kì tự hào về bộ râu của mình, đồng thời xã hội Vikings cũng dành sự tôn trọng nhất định dành cho những người sở hữu bộ râu đẹp và được chăm sóc kĩ lưỡng.
Bộ râu của người Vikings luôn cực kỳ ấn tượng
Thời kì đầu của đế chế Hy Lạp và La Mã cổ đại chứng kiến sự thịnh hành của những bộ râu nam giới. Trong khi người Hy Lạp thích để râu dài, xoăn tít thành từng lọn thì đàn ông La Mã lại chọn cách cắt tỉa bộ râu cho gọn gàng.
Tuy vậy, đến khoảng năm 600 trước Công nguyên, mái tóc dài và bộ râu xồm xoàm lại được xem là một dấu hiệu của sự nghèo đói và man rợ trong xã hội La Mã và Hy Lạp cổ đại. Vào giai đoạn này, người ta tin rằng khuôn mặt nhẵn nhụi với râu tóc gọn gàng mới là hiện thân của một người văn minh, giàu có và thành đạt. Dù vậy, các triết gia thời đó như Socrates, Aristotle vẫn tiếp tục nuôi râu như một cách để chứng tỏ sự thông tuệ của mình.
Các triết gia cổ đại như Aristotle, Socrate nuôi râu để thể hiện sự thông tuệ
Cũng vào giai đoạn này, ở La Mã và Hy Lạp cổ đại đã xuất hiện những viên gạch đầu tiên trong quá trình hình thành nền Văn hóa Barber. Những người đàn ông tụ tập ở các khu chợ, thoải mái tranh luận về những vấn đề của cuộc sống trong khi thợ cạo làm việc với mái tóc và bộ râu của họ một cách tỉ mẩn.
Vào giai đoạn này, người La Mã gọi người Vikings, những kẻ thù đến từ vùng Đông và Bắc Âu bằng cái tên Barbarians, nghĩa là những kẻ man rợ. Thú vị thay, từ này lại bắt nguồn từ chữ barba trong ngôn ngữ Latin cổ có nghĩa là râu.
Bước vào Công nguyên, những năm đầu của Thế kỉ thứ nhất, bộ râu bấy giờ đã trở thành một biểu tượng danh dự của đàn ông châu Âu. Hoàng đế Otto đệ Nhất của Thánh chế La Mã được cho là người đầu tiên lập lời thề với bộ râu của mình và ngay lập tức tạo nên sự ảnh hưởng to lớn khi mà sau đó, kiểu lập lời thề này phổ biến cho đến tận thời kì Trung cổ.
"Ta trịnh trọng thề với bộ râu của mình..."
Với đàn ông thời kì này, việc người khác chạm tay vào bộ râu của họ không khác gì một sự xúc phạm, và chỉ có một cuộc đấu tay đôi giữa hai người mới đủ để xóa đi nỗi sỉ nhục này. Đọc xong thông tin này, chúng ta có đang chia sẻ một cảm giác may mắn khi không phải sống trong thời kì ấy không nhỉ?
Giai đoạn các cuộc chiến Thập tự chinh chứng kiến sự phổ biến rộng rãi khủng khiếp của các bộ râu. Những cuộc chiến dài ngày được cho là nguyên nhân khiến cho việc cạo râu của đàn ông thời đó trở thành xa xỉ. Cánh đàn ông vì vậy không còn lựa chọn nào khác là tiếp tục nuôi bộ râu xồm xoàm của mình, từ trận đánh này đến chiến trường khác.
Tuy vậy, rất nhanh sau khi các cuộc Thập tự chinh kết thúc, người ta lại quay về với tiêu chuẩn “mày râu nhẵn nhụi”.
Đến giữa thế kỉ XVI, việc để râu trở nên phổ biến và thời thượng ở Anh nhờ sự PR nhiệt tình của vua Henry VIII. Vị vua này sau đó bất ngờ đặt ra một khoản thuế dành riêng cho những người đàn ông nuôi râu. Số tiền thuế phải đóng có sự khác biệt tùy thuộc vào địa vị xã hội của mỗi người. Không biết vua Henry VIII sẽ phải đóng bao nhiêu tiền thuế cho bộ râu của mình nhỉ?
Vua Henry VIII, người đặt ra thuế râu, đồng thời cũng sở hữu cho mình một bộ râu rậm
Thời kì này cũng chứng kiến sự gia tăng đáng ngạc nhiên về mức độ quan tâm của đàn ông đối với bộ râu của họ. Nhiều kiểu râu độc đáo như Stilletto (một chỏm nhọn ở phần cằm) hay Forked (chia đôi làm hai ở cằm) trở thành một tiêu chuẩn thời thượng của đàn ông thời này. Các sản phẩm chăm sóc chuyên biệt dành cho râu cũng bắt đầu được giới thiệu nhiều hơn càng minh chứng cho sự gia tăng mức độ quan tâm của đàn ông dành cho phần dưới cằm và quanh hàm này.
Kiểu râu Stilletto và Forked rất phổ biến ở thời kì này
Vào cuối thế kỷ XIX ở Mỹ, Tổng thống Abraham Lincoln nổi tiếng đến mức kiểu râu rậm, lòa xòa quanh cằm của ông trở thành một chuẩn mực thời trang mà mọi đàn ông xứ cờ hoa theo đuổi.
Quan điểm của người phương Đông về bộ râu?
Do đặc tính về di truyền, những người phương Đông thường sở hữu bộ râu khiêm tốn hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Người dân các quốc gia ở khu vực này như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chủ yếu có râu ở cằm và ria, rất hiếm gặp người có râu quai nón. Bộ râu của họ cũng thường dài, thưa, và ít khi xoăn.
Dù vậy, xã hội phương Đông cổ đại vẫn đề cao bộ râu như một cách để chứng tỏ giá trị của người đàn ông. Đặc biệt, các bậc đế vương thường nuôi râu dài như rồng vì dân chúng có một niềm tin và sự sùng bái đặc biệt dành cho rồng. Các vị quan tướng trong triều cũng có thói quen nuôi râu, nhưng không phải vì thói quen mà vì để thể hiện thân phận nam nhi của mình.
Vua Lê Thái Tổ, tức Lê Lợi, người có công đánh đuổi giặc Minh lập nên nhà Hậu Lê ở Việt Nam
Tống Thái Tổ của Trung Quốc
Trong dân gian, một bộ râu lại thường đi kèm với hình ảnh những người cao tuổi, đạo mạo, với trí tuệ tinh thông và đôi lúc được thần thánh hóa. Bởi thế, khi nhắc đến những bộ râu dài trong tài liệu, văn thơ cổ, người ta sẽ liên tưởng đến hình ảnh những ông tiên râu tóc bạc phơ, hay những vị cư sĩ ẩn dật ngồi vuốt râu, thưởng trà và đánh cờ một cách thư thả.
Tại Việt Nam, trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, nhân vật Mã Giám Sinh được ông mô tả qua hai câu thơ: “Quá niên trạc ngoại tứ tuần / Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”. Bằng bút pháp của mình, Nguyễn Du đã gián tiếp bày tỏ góc nhìn, quan điểm của mình cũng như của xã hội thời đó về râu tóc của đàn ông. Với người Việt bấy giờ, vẻ ngoài râu tóc nhẵn nhụi của họ Mã hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi ngoài 40. Nghĩa là, trong con mắt của người đương thời, việc cạo nhẵn đi bộ râu chính là một biện pháp để làm cho bản thân trông trẻ hơn so với tuổi của mình, hay nói cách khác, “mày râu nhẵn nhụi” là dấu hiệu để nhận biết những gã trai trẻ chưa trưởng thành.
Chưa kể, trong sinh hoạt hằng ngày, bạn cũng sẽ hơn một lần nghe lời đề nghị (hay thậm chí là yêu cầu) cạo râu bởi những người xung quanh. Có thể những người ấy đang có ý tốt khi nhận ra bạn hoàn toàn không hợp với kiểu râu hiện tại, hay cũng có thể họ đang bị ảnh hưởng bởi một nền văn hóa lâu đời không cổ súy râu ria xồm xoàm? Cũng khó trách được, bởi lối suy nghĩ đó đã ăn sâu vào nhiều lớp thế hệ, truyền từ đời này qua đời khác. Nó bám vào sâu gốc rễ đến mức bạn đôi lúc cầm dao cạo lên và tự hỏi, mình muốn cạo đi bộ râu này vì mình không thích, hay chỉ vì đối tác ở cuộc họp sẽ không thể chấp nhận làm ăn với một gã râu ria?
Toàn cầu hóa và ảnh hưởng đến văn hóa râu ở Việt Nam
Đi cùng với hội nhập của nền văn hóa, tư tưởng của xã hội về râu ria của đàn ông Việt và phương Đông cũng đã thoáng hơn nhiều. Bộ râu đã không còn "độc quyền" thuộc về những bậc cha ông nữa. Hiện tại, không khó để có thể bắt gặp một bộ râu ấn tượng nào đó khi dạo phố, hoặc ở nơi công sở. Đôi lúc, ta cũng sẽ bất ngờ khi phát hiện tuổi thật của một “ông chú” râu ria rậm rạp nào đó, cũng chỉ bởi những suy nghĩ cố hữu đã thấm quá sâu vào trong tư tưởng.
Tuy vậy, cái nhìn về đàn ông để râu đã khác trước rất nhiều. Bên cạnh quần áo, tóc tai thì bộ râu cũng đã trở thành một phần của thời trang phái mạnh. Sự chú ý của người đối diện không chỉ còn tập trung vào trang phục, mái tóc mà còn trầm trồ trước một bộ râu được chăm sóc kĩ lưỡng và cắt tỉa gọn gàng. Những Barbershop với dịch vụ chăm sóc chuyên sâu về râu và tóc cũng ra đời, mang sứ mệnh đặc biệt quan trọng đồng hành trong hành trình chinh phục vẻ ngoài lý tưởng cho cánh đàn ông Việt.
Tại Tony Barber House, chúng tôi tự hào mang đến giải pháp toàn diện về râu và tóc. Ngoài các dịch vụ chăm sóc râu tại Barbershop, chúng tôi còn cung cấp các sản phẩm chăm sóc chuyên biệt dành cho râu được nhập khẩu chính hãng, giá tốt và giao hàng tận nơi nữa đấy.
Viết một bình luận