Paraben là gì? Sulfate là gì? Công dụng của Paraben và Sulfate trong Mỹ phẩm và những Mối Họa tiềm tàng
"Paraben là gì" có lẽ là mối quan tâm cực lớn, thậm chí có thể đứng đầu danh sách tìm kiếm của người dùng mỹ phẩm. Bởi lẽ, trong ngành công nghiệp mỹ phẩm cho cả nam lẫn nữ, Paraben và Sulfate có thể xem như những "cây đa cây đề", đã xuất hiện từ những buổi đầu của các sản phẩm chăm sóc cơ thể. Ta có thể dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Paraben và Sulfate ở khắp mọi nơi, từ xà phòng, sữa tắm, dầu gội, các loại gel và sữa rửa mặt cho đến kem đánh răng, kem cạo râu, nước rửa tay, thậm chí cả trong nước rửa chén, nước giặt và nước xả nữa.
Đi cùng với sự tăng lên của tiêu chuẩn sức khỏe trong xã hội hiện đại, người ta bắt đầu tìm đến những sản phẩm organic, thân thiện hơn với môi trường và ít có tác động tiêu cực đến sức khỏe cơ thể. Và cũng từ đó, Paraben và Sulfate dần dà trở thành kẻ phản diện trong mắt những tín đồ thẩm mỹ, khi mà các nhà sản xuất mỹ phẩm liên tục tung ra các sản phẩm Paraben Free, Sulfate Free đi kèm với những quảng cáo chứa nội dung tiêu cực về hai loại hóa chất lâu đời này. Vậy thì Paraben là gì, Sulfate là gì, vai trò của Paraben và Sulfate trong mỹ phẩm ra sao cũng như những tác hại của chúng đến cơ thể là gì, hãy cùng với Tony Barber House tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Paraben trong ngành công nghiệp mỹ phẩm
Paraben là gì?
Paraben có nguồn gốc từ một chất hóa học được gọi là acid para-hydroxybenzoic (PHBA) xuất hiện tự nhiên trong nhiều loại trái cây và rau quả như việt quất, cà rốt.
Paraben giúp ngăn chặn vi khuẩn có hại và các loại nấm mốc phát triển, do đó được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm như mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm và đồ uống như một chất bảo quản, với mục đích không gì khác hơn là kéo dài thời gian sử dụng cho sản phẩm.
Thông thường, để tăng cường khả năng bảo quản, trong sản phẩm sẽ có nhiều hơn một Paraben. Một số dẫn xuất của Paraben mà ta thường gặp trong các sản phẩm bao gồm Methylparaben, Ethylparaben, Propylparaben, Isopropylparaben, Isobutylparaben và Butylparaben.
Tác hại của Paraben là gì
Nói về ứng dụng của Paraben, bà Sandra Arévalo, giám đốc Dịch vụ Dinh dưỡng và tiếp cận Cộng đồng tại Khoa Nhi của Trung tâm Y tế Montefiore ở New York nhận định: “Paraben được sử dụng rộng rãi vì chúng cực kỳ hiệu quả và không gây ra dị ứng cũng như chi phí sản xuất thấp”.
Tuy vậy, qua thời gian, các nhà khoa học bắt đầu đặt ra nhiều nghi vấn hơn về mức độ an toàn của Paraben đối với sức khỏe con người cũng như tác động của hóa chất này đối với môi trường.
Ảnh hưởng lên da
Vào năm 1988, Nagel JE đã công bố một nghiên cứu trong đó đề cập đến khả năng hàm lượng lớn Paraben trong các sản phẩm như nước hoa, nước tẩy trang, kem dưỡng da... có thể gây ra kích ứng trên làn da những người nhạy cảm, dễ bị dị ứng.
Đồng thời, nhiều kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những phản ứng tiêu cực giữa Methylparaben khi được thoa lên da với tia UVB trong ánh nắng mặt trời. Những phản ứng này tăng mức độ lão hóa của da, làm thay đổi màu da và thậm chí gây tổn thương đến ADN trên da. Những tác động này làm cho da bị suy giảm sức đề kháng, trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị tác động bởi môi trường bên ngoài.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây chỉ là kết quả nghiên cứu trên những trường hợp sử dụng Paraben với liều lượng cao hoặc trên những người sở hữu làn da quá nhạy cảm.
Giảm khả năng sinh sản ở nam giới
Một nghiên cứu mang tên “Effects of propylparaben on the male reproductive system” được thực hiện bởi S.Oishi thuộc Viện nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Tokyo đã chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của Propylparaben đến chất lượng tinh trùng, từ đó làm suy giảm khả năng sinh sản của nam giới.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng Butylparaben cũng làm suy giảm số lượng và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tinh trùng nam giới.
Paraben có gây ung thư?
Trong các nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học đã khẳng định rằng Paraben là hóa chất gây rối loạn nội tiết. Điều này có nghĩa là Paraben hoàn toàn có thể là nguyên nhân gây ra ung thư vú. Tuy vậy, bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng lưu ý rằng, sự rối loạn nội tiết được thấy ở chuột chỉ xảy ra sau khi các con vật được tiêm một liều lượng Paraben cao hơn nhiều so với những gì con người thường phải chịu.
Thực tế cho đến nay, sau khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trên người, mối liên hệ giữa Paraben với khả năng gia tăng nguy cơ ung thư vẫn chưa được khẳng định chắc chắn.
Tác động đến môi trường
Ngoài những nguy cơ tiềm ẩn mà Paraben có thể gây ra cho sức khỏe người sử dụng, hóa chất này còn có những tác động tiêu cực khác đến môi trường.
Cụ thể, Paraben dẫn đến sự tích tụ các chất độc hại trong môi trường sống. Bên cạnh đó, sau quá trình tẩy rửa, Paraben sẽ cùng với nước thải đi qua chu trình xử lý nước thải có sự tham gia của Clo. Tại đây, các chất độc hại khác được sinh ra và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như các sinh vật sống khác khi tiếp xúc trực tiếp.
Cách nhận biết sản phẩm có chứa paraben
Để nhận biết sản phẩm có chứa Paraben hay không, ta chỉ cần đọc thành phần sản phẩm được ghi chi tiết trên nhãn. Paraben và các dẫn xuất của nó rất dễ nhận biết nhờ hậu tố -paraben trong tên thành phần. Tuy vậy, một số nhà sản xuất cố tình lách luật bằng cách thay bằng tên Alkyl Parahydroxy Benzoates để tránh lệnh cấm dưới đây.
Nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn đến sức khỏe của paraben theo như các báo cáo đã được thực hiện, các nước châu Âu đã đi trước một bước bằng cách ra quy định cấm sử dụng 5 dẫn xuất của paraben trong các sản phẩm hằng ngày. Trong khi đó, 3 dẫn xuất khác của Paraben vẫn còn được chấp thuận để tiếp tục sử dụng trong thành phần sản phẩm, nhưng chúng ta vẫn cần chú ý hạn chế sử dụng với liều lượng lớn các sản phẩm này.
Các Paraben bị cấm | Các Paraben vẫn được sử dụng |
---|---|
Isopropylparaben | Methylparaben |
Isobutylparaben | Ethylparaben |
Pentylparaben | Propylparaben |
Phenylparaben | Butylparaben |
Benzylparaben |
Sulfate trong mỹ phẩm
Sulfate là gì?
Trên các nhãn sản phẩm, Sulfate thường được ghi nhận bằng hợp chất có tên Sodium Lauryl Sulfate (SLS) hoặc Sodium Laureth Sulfate (một số nhà sản xuất còn ghi là Sodium Lauryl Ether Sulfate) (SLES).
Thành phần ghi trên nhãn chai Dapper Dan Hair & Body Shampoo, với Sodium Laureth Suffate nằm trên cùng
Vậy, Sodium Lauryl Sulfate là gì? Sodium Lauryl Sulfate (SLS) và Sodium Lauryl Ether Sulfate (SLES) là các hóa chất tổng hợp có gốc là Sulfate – một loại muối tạo thành khi Axit Sulfuric phản ứng với một hóa chất khác. Các hợp chất này được sản xuất từ dầu mỏ và thực vật như dừa và dầu cọ.
Vì là chất hoạt động bề mặt nên SLS hoàn thành rất tốt nhiệm vụ tách dầu/chất béo và các chất hữu cơ khỏi bề mặt. Vì lý do này, cùng với chi phí sản xuất rẻ mà Sulfate được sử dụng rộng rãi trong các loại mỹ phẩm mà chúng ta sử dụng hằng ngày như xà phòng, sữa tắm, dầu gội, kem đánh răng…
Khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc cơ thể này, ví dụ như dầu gội, đa phần chúng ta có xu hướng nghiêng về những sản phẩm sinh nhiều bọt, với lối suy nghĩ rằng số lượng bọt tỷ lệ thuận với khả năng làm sạch của sản phẩm. Tuy nhiên, bạn nên chú ý rằng, SLS chính là tác nhân gây ra lớp bọt ấy trong các sản phẩm. Cụ thể hơn, lượng SLS tỷ lệ thuận với số bọt mà sản phẩm sinh ra trong quá trình sử dụng.
Ngoài ra, Sulfate cũng đóng vai trò như chất ổn định các dạng kem, nhũ tương và hỗ trợ bảo quản sản phẩm.
Tác hại của Sulfate là gì
Dù được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, người ta vẫn không ngừng tranh cãi về những tác hại có thể có của Sulfate là gì, đồng thời liệu rằng việc tiếp tục sử dụng Sulfate trong mỹ phẩm có thực sự xứng đáng để đánh đổi?
Thực tế, khả năng gây kích ứng da của Sodium Lauryl Sulfate là gì thì không ai có thể phủ nhận. Một nghiên cứu năm 2003 của Löffler H và Happle R. đã phát hiện rằng SLS gây mất nước cho da. Sau đó vào năm 2008, Torma H, Lindberg M và Berne B. đã xác nhận rằng SLS có thể phá vỡ chức năng hàng rào tự nhiên của da, làm nghiêm trọng hơn tình trạng da ở những người đang bị chàm, viêm da hoặc mụn trứng cá.
Bên cạnh đó, SLS có thể là nguyên nhân khiến những chấm mụn đầu đen khó ưa kéo đến xuất hiện trên da bạn. Lý do cho vấn đề này chính là vì tính tẩy rửa quá mạnh của SLS đã làm cho da dễ bị khô, từ đó kích thích tuyến bã nhờn sản xuất sebum nhiều hơn. Như vậy, da mặt và da đầu của bạn thay vì sạch sẽ lại trở nên nhờn hơn, xuất phát từ chân nang và lỗ chân lông, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho mụn đầu đen phát triển.
Bên cạnh hai "người quen" Sodium Lauryl Sulfate và Sodium Lauryl Ether Sulfate thì một thành phần Sulfate khác là Sodium Dodecyl Sulfate (SDS) cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến tổn hại tóc bằng cách phá vỡ cấu trúc tự nhiên các protein, dẫn đến hiện tượng tóc bị chẻ ngọn và khô nứt. Việc sử dụng lâu dài các chất Sulfate cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng rụng tóc do tính chất bào mòn của nó gây ra lên phần chân tóc.
Khi đặt lên bàn cân để so sánh, Sodium Laureth Sulfate có hoạt tính nhẹ hơn so với Sodium Lauryl Sulfate vì đã trải qua quá trình ethoxylate. Vì vậy, hiện nay, SLES phổ biến hơn, được coi là thành phần thay thế và được khuyến khích dùng nhiều hơn so với SLS.
Cách nhận biết sản phẩm có chứa Sulfate
Để xác định sản phẩm có chứa Sulfate hay không, cách nhanh và đơn giản nhất chính là nhìn vào thành phần của sản phẩm. Do là chất đóng vai trò quan trọng làm nên tính tẩy rửa của sản phẩm nên Sulfate thường nằm ở vị trí đầu tiên trên nhãn thành phần.
Bạn cũng có thể dễ dàng kiểm tra hàm lượng Sulfate trong sản phẩm bằng cách xoa nhẹ bọt xà phòng, hoặc dầu gội đầu, hoặc sữa tắm, v.v… và nhỏ xuống sàn gạch có nước. Độ loang của nước càng lớn chứng tỏ độ tẩy của sản phẩm càng mạnh, đồng nghĩa với hàm lượng Sulfate trong sản phẩm cũng cao.
Ngoài ra, sản phẩm càng sinh nhiều bọt thì hàm lượng chất tẩy rửa Sulfate trong đó sẽ càng cao đấy.
Có nên tiếp tục dùng các sản phẩm chứa Paraben và Sulfate?
Dẫu rằng các nghiên cứu đều chỉ ra nguy cơ gây hại cho sức khỏe, thậm chí là dẫn đến ung thư khi sử dụng các sản phẩm có chứa Paraben và Sulfate, các sản phẩm này vẫn được lưu hành trên thị trường, được chứng nhận đầy đủ. Lý do tại sao?
Nhiều sản phẩm trên thị trường vẫn chứa Paraben và Sulfate - Ảnh: gettyimages
Như đã đề cập ở các phần trên của bài viết này, các tác hại nghiêm trọng gây ra cho cơ thể bởi Paraben và Sulfate nếu có cũng chỉ khi hoặc được dùng ở một hàm lượng cao hơn so với mức sử dụng cơ bản của con người, hoặc xuất hiện trên những người sở hữu làn da nhạy cảm, dễ kích ứng.
Với những người quá mẫn cảm, sử dụng các sản phẩm chứa Paraben và Sulfate sẽ ngay lập tức gây ra tình trạng kích ứng trên da hay tóc. Còn đối với người dùng bình thường khác, sử dụng các sản phẩm này sẽ không gây ra ảnh hưởng ngay lập tức. Tuy vậy, nếu sử dụng thường xuyên với lượng lớn thì các sản phẩm chứa Paraben và Sulfate sẽ âm thầm tích lũy những tác hại cho người dùng theo thời gian, bào mòn da và sợi tóc, để rồi đến khi những dấu hiệu ấy biểu hiện ra bên ngoài thì đã quá muộn để có thể sửa chữa.
Do vậy:
- Nếu bạn không phải là người quá mẫn cảm, hoặc có nhu cầu sử dụng mỹ phẩm thường xuyên thì các sản phẩm chứa Paraben và Sulfate vẫn đáp ứng tốt mà vẫn an toàn cho cơ thể.
- Trong trường hợp ngược lại, bạn nên cân nhắc sử dụng các sản phẩm Paraben Free và Sulfate Free để đảm bảo sức khỏe cho bản thân nhé.
Paraben Free và Sulfate Free là gì?
Để có đáp án cho câu hỏi Paraben Free là gì, Sulfate Free là gì thì hãy nhìn vào tên gọi của chúng. Đúng như tên gọi của dòng sản phẩm này, các sản phẩm Paraben Free không có Paraben trong thành phần, và những sản phẩm nhãn Sulfate Free sẽ không chứa Sulfate.
Những sản phẩm này sẽ loại bỏ mối lo lắng của người dùng về những tác hại do Paraben và Sulfate gây ra, đồng thời vẫn đảm đương tốt nhiệm vụ tẩy rửa của mình.
Một số lưu ý
- Vì không có thành phần bảo quản là Paraben nên các sản phẩm Paraben Free sẽ có hạn sử dụng ngắn hơn. Bạn nên lưu ý điều này.
- Ngoài ra, một số sản phẩm Paraben Free dù không chứa Paraben nhưng lại dùng Formaldehyde như là một sự thay thế cho chức năng bảo quản, trong khi bản thân chính Formaldehyde cũng là một chất độc hại không thua kém gì so với Paraben. Do vậy bạn cũng nên kiểm tra kĩ thành phần của những sản phẩm Paraben Free trước khi quyết định mua nhé.
- Còn đối với Sulfate Free, để thay thế tính năng tẩy rửa của Sulfate mà vẫn đảm bảo hiệu quả trong quá trình sử dụng, các nhà sản xuất thường sử dụng một vài hoặc toàn bộ các chất thay thế như Sodium Cocoamphoacetate, Cocamidopropyl Betaine, Lauryl Glucoside, Coco Glucoside, Disodium Laureth Sulfosuccinate, Disodium Lauroamphodiacetate trong sản phẩm của mình.
Tony Barber House - Địa chỉ uy tín cung cấp các sản phẩm chuyên biệt chăm sóc tóc nam
Tại Tony Barber House, một Barbershop uy tín tại Tp HCM, không chỉ là một địa chỉ tin cậy để cắt tóc, bạn có thể dễ dàng tìm thấy nhiều sản phẩm chuyên biệt chăm sóc tóc cũng như cơ thể dành riêng cho nam. Đến với Tony Barber House, bạn cũng sẽ nhận được những tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm từ các Barber lành nghề, hiểu rõ nhu cầu của bạn.
Viết một bình luận