Chi Tiết Blog

Barber, Họ Là Ai?

Barber là gì

Theo định nghĩa của Cambridge, Barber là từ dùng để chỉ những người làm công việc cắt tóc cho đàn ông. Từ điển Oxford bổ sung thêm nhiệm vụ cạo râu vào danh mục làm việc của các Barber. Tuy vậy, nguồn gốc thực sự của từ Barber lại đến từ ngôn ngữ Latin cổ, với từ barba có nghĩa là râu. Do vậy, định nghĩa Barber từ Wikipedia có vẻ đầy đủ và chính xác nhất cho câu hỏi Barber là gì: “Barber là người đảm nhiệm các công việc liên quan đến râu tóc của đàn ông, bao gồm cạo, cắt, chải và tạo kiểu”.

 

Lịch sử của nghề Barber

Những viên gạch đầu tiên

Dù rằng mãi đến những năm 300 trước Công nguyên, những Barbershop sơ khai mới đánh dấu sự hiện diện của mình ở La Mã, thì ở xứ sở kim tự tháp, các Barber đầu tiên đã xuất hiện từ rất sớm, từ những năm 4000 trước Công nguyên. Các nhà khảo cổ đã khai quật được một số mẫu vật đá núi lửa có hình dạng giống dao cạo, được cho là dụng cụ hành nghề của những thợ cạo Ai Cập cổ đại.

barber-dao-cao

Mẫu đá có hình dạng giống dao cạo, được tin là dụng cụ hành nghề của các thợ cạo cổ đại

Trong văn hóa Ai Cập cũng như một số nước phương Đông, phần tóc trên đầu từng được xem là “cửa ngõ” để các linh hồn, cả tốt lẫn xấu, xâm nhập vào cơ thể. Niềm tin này đã sinh ra một nhu cầu rất lớn trong xã hội cho việc cạo, cắt tỉa gọn gàng mái tóc của mình. Cũng chính vì vậy, các thợ cạo trong xã hội Ai Cập trở thành những người có địa vị cao trong xã hội và nhận được sự kính trọng từ cộng đồng.

La Mã những năm 300 trước Công nguyên đánh dấu sự khởi đầu của các Barbershop. Ở thời điểm này, đàn ông La Mã cạo sạch râu để phân biệt với các nô lệ, vốn bị bắt buộc không được đụng chạm đến bộ râu của mình. Khi ấy, bộ râu được cho là dấu hiệu của kẻ phục tùng, và nô lệ cũng như các kẻ thù đến từ phương Bắc của người La Mã được gọi bằng cái tên “babarians” nghĩa là “kẻ man rợ” trong ngôn ngữ hiện đại. Cũng giống với nguyên mẫu của từ Barber, từ này có nguồn gốc từ chữ Latin cổ barba có nghĩa là râu.

barber-roman-slave

Nô lệ thời La Mã không được cạo bộ râu của mình - Ảnh: Alamy

 

Thời kì huy hoàng

Vào thời Trung cổ, đi cùng với sự leo thang của các cuộc Thánh chiến, Barber bị buộc phải đảm nhận thêm nhiều nghĩa vụ hơn là chỉ liên quan đến tóc và râu. Những Barber thời chiến phải thực hiện những cuộc phẫu thuật, trích máu, nhổ răng, thậm chí là xử lý những nốt u nhọt và nắn lại cổ cho những thương binh nữa. Thời kì này, những người đảm nhiệm các dịch vụ như thế được gọi là Barber-Surgeon, tạm dịch là Thợ cạo-Phẫu thuật, một cách gọi không thể dễ hình dung hơn về công việc của họ.

barber-surgeon-shop

Quang cảnh nơi làm việc của các Barber-Surgeon - Ảnh: Wellcome Collection

barber-surgeon-shop-2

Barber-Surgeon và công việc của họ - Ảnh: Jost Amman / Nguồn: agefotostock.com

Trách nhiệm phải thực hiện của những Barber-Phẫu thuật vào thời này chính là nguồn gốc cho sự ra đời của Barber Pole, chiếc trụ xoay 3 màu vốn đã trở thành một biểu tượng bất diệt của Barber và là một phần không thể tách rời của Văn hóa Barber.

Thời kỳ hưng thịnh của Barber-Phẫu thuật cũng chứng kiến họ trở thành những người được kính trọng ở xã hội châu Âu cho đến tận thế kỷ XVII. Vua Henry VIII, người sở hữu một bộ râu ấn tượng (đồng thời cũng đánh thuế râu những tay xồm xoàm như mình) đã từng cùng với những thành viên của Hoàng gia Anh đương thời đề bạt các Barber-Phẫu thuật vào những vị trí quan trọng trong Hoàng gia. Những Barber-Phẫu thuật này thậm chí còn được phép mổ xẻ các tử tù sau khi hành hình để phục vụ cho công tác nghiên cứu.

Giai đoạn thoái trào

Thời kì thống trị của thợ cạo nói chung và các Barber-Phẫu thuật nói riêng có lẽ đã kéo dài mãi mãi nếu không có một sự kiện xảy ra vào những năm giữa thế kỉ 18. Mùa hè năm 1745, sau rất nhiều những nghi hoặc về khả năng phẫu thuật và mức độ an toàn khi thực hiện của những tay thợ cạo, vai trò trong các ca phẫu thuật chính thức bị tước khỏi phạm vi hoạt động của các Barber. Từ thời điểm này, thợ cạo trở về với tóc và râu, còn những bác sĩ phẫu thuật được đào tạo bài bản sẽ tiếp quản sứ mệnh mà nhiều thế hệ Barber đã đảm đương trong suốt hàng trăm năm, qua nhiều thăng trầm của lịch sử.

Xuyên suốt hai thế kỷ tiếp theo, Barber vẫn đóng một vai trò nhất định với xã hội, có điều không còn quan trọng và quyền lực như xưa nữa. Mốt đội tóc giả trong giới quý tộc châu Âu khi đó càng đẩy các Barber ra xa hơn với cung điện lộng lẫy và cuộc sống sung túc đã từng là một phần của họ. Những tiệm Barbershop dần lui vào trong những góc phố nhỏ, trong khi công việc Barber được mặc định dành cho dân da màu, những người sở hữu vị trí thấp kém trong xã hội thuở ấy.

black-barber-shop

Nghề Barber tạm thời rơi vào thoái trào. Các Barber giờ đây cất tạm ánh hào quang quá khứ vào bên trong Barbershop của mình, vẫn âm thầm phục vụ cho tầng lớp lao động, những người sở hữu vị thế xã hội không khác là bao so với họ.

Lấy lại vị thế

Năm 1893 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử giới Barber. A.B.Moler, một trong những Barber huyền thoại, đã lập ra học viện cắt tóc đầu tiên ở Chicago, Mỹ, chuyên đào tạo tay nghề cho các Barber, xác lập một một bước tiến quan trọng trên hành trình chinh phục vị thế khi xưa của nghề thợ tóc.

legendary-ab-moler

A.B.Moler, một trong những Barber huyền thoại của lịch sử Barber thế giới

Từ điểm tựa ấy, Barber từng bước giành lại chỗ đứng của mình trong xã hội. Người ta bắt đầu có một định nghĩa Barber là gì rõ ràng hơn cũng như có một cái nhìn khác về các Barber. Hàng loạt Barbershop ra đời, thậm chí vẫn còn tồn tại đến thời điểm hiện nay như Wilfred's Barbershop & Salon ở New Hampshire (mở cửa từ năm 1937), hay Sweeney Todd's Barber Shop ở Los Angeles (hoạt động từ năm 1947). Đồng thời, các Barber tay nghề cao dần nhận được sự công nhận và tôn trọng từ cộng đồng.

barbershop-wilfred

Wilfred's Barbershop & Salon ở New Hampshire

barbershop-sweeney

Sweeney Todd's Barber Shop ở Los Angeles

Dẫu rằng không còn nắm giữ vị thế quyền lực như thời kỳ vàng son khi xưa, các Barber đã tìm lại được niềm cảm hứng và hạnh phúc vì được cống hiến công sức, tài năng của mình cho sự nghiệp làm đẹp của đàn ông.

Nghề Barber ở Việt Nam

Từ thời Văn Lang xa xưa, người Lạc Việt đã có tục nhuộm răng đen, búi tóc, ăn trầu. Nét văn hóa ấy tồn tại qua hàng nghìn năm, dẫn đến xu hướng tóc tai của người Việt chỉ quanh quẩn bên tóc búi. Thời bấy giờ, chỉ những nhà sư mới có nhu cầu cạo đầu khi xuất gia, mà công việc này thậm chí cũng được thực hiện bởi những vị sư khác. Do vậy, ở Việt Nam trong một thời gian rất dài, nghề thợ tóc gần như không hề tồn tại, và tất nhiên người ta cũng không biết Barber là gì.

Bởi thế, so với thế giới, thợ tóc Việt Nam như những đứa trẻ sinh sau đẻ muộn. Mãi đến những năm đầu của thế kỷ XX, những thợ tóc đầu tiên mới xuất hiện. Thời kì này, do ảnh hưởng từ phong trào Đông Du được khởi xướng bởi Phan Bội Châu, người Việt tiếp thu văn hóa từ Nhật Bản đã bắt đầu chọn cách cắt tóc ngắn thay vì búi tóc như tiền nhân. Chính sự thay đổi này đã dẫn đến sự ra đời của những thợ tóc đầu tiên.

barber-o-viet-nam-1

Có một câu chuyện truyền miệng khá thú vị, nói về nghề tóc tại Việt Nam như sau:

Một hôm trời đẹp mát mẻ, các cụ ông làng Đồng Lầm (Kim Liên, Hà Nội ngày nay) ngồi quây quanh một quán nước đầu làng. Hai cụ than vãn với nhau: "Làng mình chỉ toàn nghề của đàn bà con gái, nào là nghề nhuộm nâu non, nghề may cổ yếm, nghề nhuộm vải, ... Tuyệt nhiên không có nghề gì cho đàn ông chúng mình để còn truyền lại cho con cháu sau này."

Lúc đó có một ông khách nghe được, mới hỏi vào: “Thế các cụ thích nghề gì?”

Một cụ ông trả lời: “Nói không phải thì ông bỏ quá cho, chúng tôi sắp về cõi tiên rồi, chỉ mong có một nghề, mà khi cần đến, chúng tôi bảo sao họ phải nghe vậy.”

Ông khách cười khà khà tiếp chuyện: “Có gì khó đâu, đó là nghề vít đầu vít cổ thiên hạ, tức là nghề thợ cạo đấy.”

barber-o-viet-nam-2

Những tay thợ cạo hành nghề ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Từ đó, dân Kim Liên bắt đầu hành nghề thợ tóc. Làng Kim Liên cũng được coi là nơi khởi phát của nghề này. Cứ vào ngày 15, 16 tháng 3 âm lịch hàng năm, dân Kim Liên cùng những người làm nghề tóc lại tề tựu về đình làng làm lễ tri ân tổ nghiệp.

Trải qua nhiều biến cố của thời gian, thay vì cầm dụng cụ đi khắp nơi, những người thợ tóc Việt bắt đầu mở ra những tiệm cắt tóc nhỏ. Gọi là tiệm cắt tóc thì có lẽ hơi cường điệu, bởi ở đó chỉ có một chiếc ghế, một tấm gương, một chiếc bàn bày đồ nghề, tất thảy nằm gọn lỏn ở một góc vỉa hè nào đó. Dưới bóng râm của một gốc cổ thụ, khách hàng thư thả ngồi nghe bolero từ chiếc radio, lẫn vào đó là tiếng lách cách của cây kéo cũ, tiếng rè rè của chiếc tông đơ trong tay những thợ tóc già trẻ có đủ.

barber-o-viet-nam-3

Những năm 90 của thế kỉ trước có thể gọi là thời kì hoàng kim của những “salon vỉa hè” ở Việt Nam. Trong khi những Hair Salon phục vụ quý bà phát triển rực rỡ, với nhiều trang bị hiện đại, không gian rực rỡ, đặc sệt mùi thuốc nhuộm thì cả thợ cắt tóc vỉa hè và những quý ông ngồi kia đều không có nhu cầu dịch chuyển vào một cửa hàng sang trọng nào khác. Với họ, tay nghề cắt tóc mới đóng vai trò chính yếu, là tiêu chí đầu tiên để họ chọn ngồi vào một chiếc ghế, giao mái tóc của mình cho một tay thợ nào đó. Tuy đơn sơ, nhưng tại những góc vỉa hè như thế, những nét phác thảo đầu tiên của bức tranh Barbershop tại Việt Nam đã được hình thành.

barber-o-viet-nam-3

Đi cùng với mở cửa và hội nhập, Văn hóa Barber từ từ đi vào đời sống của nam giới Việt, đồng thời nghề Barber cũng bắt đầu được chú ý. Các Barbershop dần xuất hiện nhiều hơn, và khi mà đám mây mù vây quanh Barber là gì đã dần được xua đi, người ta cũng quen với hình ảnh đám đông nam giới kiên nhẫn ngồi trên những chiếc ghế da chờ đến lượt được chăm sóc râu tóc bởi những gã thợ xăm trổ.

barber-o-viet-nam-4

Vậy thì điều gì đã khiến cho việc cắt tóc với các Barber trở nên thu hút cánh đàn ông như vậy?

 

Điều gì làm nên một Barber giỏi?

barber-o-viet-nam-5

Bạn đã bao giờ tự hỏi bản thân vì sao mình yêu thích một ai đó, một điều gì đó nhiều đến vậy chưa? Nếu có, thì khi ngồi trên chiếc ghế da êm ái tại Barbershop yêu thích của mình, có lẽ bạn cũng đôi lần thắc mắc vì sao mình lại chọn gắn bó với Barbershop này, và những phẩm chất gì khiến bạn chỉ trao cho duy nhất tay Barber đang múa kéo kia cái đặc quyền chăm sóc mái tóc của mình rồi nhỉ.

  • Kỹ thuật

Kỹ thuật, tất nhiên là một phẩm chất không thể bàn cãi giúp định hình một Barber giỏi. Thông thường, chỉ mất khoảng 3 tháng để biến một tay mơ trở thành thợ tóc, nhưng phải mất trung bình từ 5 đến 6 năm để được công nhận như là một Barber giỏi. Quá trình thực hành thường xuyên sẽ hình thành cho Barber giỏi khả năng vận dụng nhiều kỹ thuật khác nhau trong quá trình cắt và tạo kiểu tóc. Kiến thức cũng được tích lũy dần qua thời gian, giúp cho một Barber sở hữu con mắt tinh tường, nắm bắt được nhu cầu của khách và biến nó trở thành một sản phẩm hoàn hảo, làm hài lòng kể cả những khách hàng khó tính nhất.

barber-o-viet-nam-7

  • Sự tự tin

Sự tự tin được xây chắc từ khả năng cùng kinh nghiệm, và đó cũng là những gì mà một Barber giỏi sở hữu. Bằng các giá trị đã được tích lũy qua thời gian được đào tạo và thực hành, một Barber giỏi thậm chí có thể chỉ cần quan sát một khách hàng bước vào Barbershop, bắt tay, và ngay lập tức nói chính xác được nhu cầu của người đó. Sự tự tin về kiến thức và kĩ năng cũng giúp một Barber giỏi đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất, từ đó gia tăng giá trị của bản thân và niềm tin của khách hàng.

  • Khả năng thích ứng

Tóc là thời trang, mà thời trang thì luôn luân chuyển, không bao giờ bất biến giữa dòng chảy của lịch sử. Bởi thế, để tồn tại và tránh bị đào thải, một Barber giỏi phải có khả năng thích ứng, nắm bắt được những cập nhật, xu hướng mới, cũng như thay đổi bản thân nếu cần để nắm bắt kịp. Tuy vậy, trong quá trình thích ứng đó, những giá trị cốt lõi của một Barber vẫn phải được giữ nguyên, và đó chính là điểm then chốt tạo nên sự khác biệt của một Barber thực thụ.

  • Vệ sinh và ngăn nắp

barber-o-viet-nam-8

Chẳng ai muốn ngồi vào một chiếc ghế còn vương tóc, hay được tỉa tót mái đầu bởi bộ kéo lấm lem. Sự vệ sinh đóng vai trò quan trọng trong mọi ngành nghề, và Barber tất nhiên không thể nằm ngoài những tiêu chuẩn ấy. Hơn nữa, khách hàng chắc chắn không có quá nhiều niềm tin rằng một Barber bừa bộn sẽ sở hữu khả năng cắt tỉa cho họ một mái đầu ưng ý. Vì thế, lời khuyên hữu ích dành cho các Barber chính là phải giữ vệ sinh cho khu vực cắt tóc cũng như dụng cụ của mình.

  • Giao tiếp thân thiện

Bạn rõ ràng sẽ chẳng thể hài lòng nổi với một Barber nếu anh ta không hề quan tâm đến nhu cầu của mình, để rồi sau đó tạo ra một kiểu tóc hoàn toàn làm bạn cảm thấy thất vọng. Vì thế, một Barber sẽ được đánh giá cao nếu như người đó có khả năng tiếp cận nhu cầu khách hàng bằng những câu hỏi, một cách chi tiết và đầy đủ. Một tập hợp thông tin được thu thập kĩ càng sẽ giúp cả Barber và khách hàng hài lòng ở cuối buổi cắt tóc, và một Barber giỏi đủ khôn ngoan để hiểu rõ điều này.

barber-o-viet-nam-6

Ngoài ra, một Barber giỏi còn được đánh giá qua mức độ thân thiện. Vốn dĩ đàn ông tìm đến Barbershop thay vì các Hair Salon là vì bầu không khí thân thiện, gần gũi, nơi họ có thể thoải mái thể hiện bản thân, thoát ra khỏi những gò bó của công việc và cuộc sống bên ngoài tấm kính của cửa hiệu. Vì thế, một Barber giỏi sẽ luôn sẵn lòng trở thành một người bạn tâm giao, dẫu chỉ trong thời gian ngắn ngủi của một buổi cắt tóc, nhưng đủ để cho khách hàng lưu luyến và ghé lại lần sau. Và hẳn nhiên, họ quay lại đâu chỉ vì muốn cắt tóc.

  • Tính kiên nhẫn

Đối với bạn, một buổi cắt tóc nên kéo dài bao lâu? Với người vội vàng, 15 phút đã là quá dài, nhưng một Barber giỏi sẽ khẳng định chắc nịch rằng: Một giờ vẫn có thể chưa đủ. Những Barber giỏi hiểu rõ, để khách hàng thực sự hài lòng về mái tóc của mình, họ cần phải chú tâm vào từng chi tiết. Tỉa tót từng đoạn chân tóc trên trán có thể mất nhiều thời gian, nhưng Barber giỏi hiểu rằng vì một mái tóc đẹp thì hoàn toàn xứng đáng để đánh đổi. Nếu một Barber chỉ chăm chăm hướng về khách hàng tiếp theo khi đang cắt tóc cho mình, rõ ràng bạn nên đổi sang một Barber khác ở lần cắt sau rồi.

 


 

Tony Barber House - Điểm hẹn của những người yêu Văn hóa Barber

Nói đến các Barbershop cực chất ở Tp HCM mà bỏ qua Tony Barber House thực sự là một thiếu sót. Đến với Tony Barber House, bạn có thể tìm thấy những giá trị Barber đúng nghĩa mà ít ở nơi đâu có được. Với đội ngũ Barber chuyên nghiệp, lành nghề và tận tâm, Tony Barber House chính là địa chỉ mà bạn có thể tin tưởng để chăm sóc râu tóc của mình.

Không chỉ là một Barbershop đúng nghĩa, Tony Barber House còn là nơi mua sắm đáng tin cậy dành cho các quý ông với rất nhiều sản phẩm chăm sóc râu tóc được nhập khẩu chính hãng, giá tốt và giao hàng tận nơi.

Ghé qua Tony Barber House và cho phép chúng tôi đồng hành cùng bạn trên bước đường chinh phục vẻ đẹp nam tính nhé.

Share:

Viết một bình luận